• vi
    • vi

DEOCA Infrastructure

Tin tức & Sự kiện

Thư viện ảnh

Thư viện Video

Cơ hội lớn cho nhà đầu tư cao tốc tại Việt Nam

Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 5.000 km đường bộ cao tốc đang mở rộng cơ hội phát triển cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây lắp.

Chia sẻ tại hội nghị đối tác chiến lược do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tổ chức tại Quy Nhơn vào hôm qua (19/3), ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự báo nhu cầu vốn dành cho hạ tầng giao thông đến năm 2030 tại Việt Nam khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Đèo Cả thực hiện ký kết với hàng loạt ngân hàng, nhà thầu xây lắp, đơn vị cung ứng vật tư, sẵn sàng tham gia các dự án giao thông lớn trong giai đoạn 2021 – 2025

Đáng chú ý, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định đến năm 2030, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của Việt Nam sẽ được nâng từ hơn 1.100 km ở thời điểm hiện tại lên 5.000 km vào năm 2030.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn làm cơ sở cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện. Theo đó, năm 2025, nước ta sẽ có 3.000km cao tốc và năm 2030 là 5.000 km theo mục tiêu đề ra.

“Ước tính, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông đường bộ khoảng 490.000 tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng hơn 900.000 tỷ vào năm 2030”, ông Vĩnh nói và cho biết, đây sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng tham gia tăng quy mô công ty, phát huy giá trị và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên những công trình giao thông lớn.

Về Tập đoàn Đèo Cả, theo ông Vĩnh, tới đây, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát triển hệ sinh thái xung quanh lĩnh vực hạ tầng giao thông, bao gồm 4 lĩnh vực cốt lõi: Đầu tư hạ tầng giao thông; Tổng thầu thi công xây lắp; Quản lý khai thác vận hành, bảo trì công trình giao thông và Đầu tư bất động sản, công nghiệp, dịch vụ.

“Riêng về lĩnh vực đầu tư/thi công hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 – 2025, hàng loạt các công trình lớn sẽ được triển khai như: dự án đường vành đai 4, 5 vùng Hà Nội, đường Vành đai 3, 4 TP.HCM, các dự án cao tốc liên vùng ở khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và phía Nam, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam.

Đèo Cả đặt mục tiêu sẽ tham gia đầu tư xây dựng 300km cao tốc, 25 km cầu lớn, 9 km hầm, đẩy mạnh các hợp đồng quản lý dự án.

Từ quyết tâm đó, doanh thu của tập đoàn dự kiến sẽ đạt gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2022, hơn 10.400 tỷ đồng năm 2023, gần 12.000 tỷ đồng trong năm 2024 và hơn 12.400 tỷ đồng vào năm 2025”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả thông tin.

Đáng nói, để đạt được những con số nêu trên, định hướng của Đèo Cả không chỉ là đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mà còn vươn tầm hợp tác với nhiều nhà đầu tư, tổng thầu trên cả nước phát triển các sản phẩm mới như: đường sắt tốc độ cao, hầm dìm vượt sông, bất động sản nghỉ dưỡng,…

Đặc biệt quan tâm đến yếu tố nhân lực, trong ngày 19/3, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với 6 trường đại học, cao đẳng

Cùng ngày 19/3, Tập đoàn Đèo Cả cũng tổ chức tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trong hoạt động doanh nghiệp, tiền có thể đi vay nhưng văn hóa và nhân lực là hai thứ phải tự tạo lập.

“Điều đó được thể hiện rõ trong phương châm phát triển của Tập đoàn: “Quản người – Quản việc – Quản lợi nhuận”, yếu tố con người được ưu tiên phát triển sau đó mới đến lợi ích. Một doanh nghiệp có nhiều con người tốt sẽ có tổ chức tốt và sự phát triển bền vững”, ông Hoàng nói.

Được biết, để tiếp tục phát triển quy mô tập đoàn, Đèo Cả đặt mục tiêu đưa quy mô nhân sự từ 5.100 người năm 2021 lên 2.000 nhân sự vào năm 2022, đạt 6.100 người; năm 2023 là 8.600 người, năm 2024 là gần 9.600 người và năm 2025 là hơn 10.500 nhân sự.

Tập đoàn Đèo Cả, tiền thân là Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch được thành lập từ năm 1985, tại Phú Yên.

Trải qua quá trình phát triển, Đèo Cả đã chứng minh năng lực của mình qua những công trình giao thông quan trọng, có tính chất phức tạp. Nổi bật là hơn 10 năm qua, doanh nghiệp này đã làm chủ công nghệ xây dựng hơn 22km hầm đường bộ xuyên núi hiện đại dọc dải đất miền Trung như: hầm Đèo Cả… Cổ Mã… Cù Mông… Hải Vân, Phú Gia – Phước Tượng.

Bên cạnh đó, Đèo Cả đã tham gia xây dựng 275km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cây cầu lớn và tổ chức quản lý 15 trạm thu phí trên cả nước. Tổng giá trị công trình Đèo Cả tham gia đầu tư xây dựng đến nay có tổng mức đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng.

Đèo Cả cũng ghi dấu ấn về năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông khi thm gia “giải cứu” thành công hai tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Trung Lương – Mỹ Thuận và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu tại hàng loạt công trình trên tuyến cao tốc Bắc – Nam như: hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh, dự án PPP Cam Lâm – Vĩnh Hảo,…

Nam Khánh

Nguồn: baogiaothong.vn