TTO – Hàng chục cây số hầm đường bộ xuyên núi và hàng trăm cây số hầm thủy điện do người Việt đào thành công, được xem là thành tựu lớn. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc nhắm đến các dự án hầm ‘dài hơi’ hơn, hiện đại hơn…
Những giàn “cốp pha” đổ vỏ hầm dài 15m do người Việt đang dùng thi công vỏ hầm Hải Vân 2 – Ảnh: THÁI LỘC
Điểm “vàng” ngắm cảnh
Chạy xe vượt hầm Hải Vân, nhiều người trầm trồ khi nhìn lên “cảnh đẹp như tranh” trên miệng hầm phía nam với cây đa cổ thụ ôm ấp ngôi miếu nhỏ nằm giữa triền núi xanh ngút ngàn.
Sự thú vị đến mức ngỡ ngàng khi có mặt tận nơi: cây đa cổ thụ có đường kính gốc khoảng hơn 3m, cao chừng 20m, trên thân nhiều phong lan và dây leo sống bám; tán lá sum sê, tỏa đều, tuyệt đẹp.
Ngôi miếu dưới tán đa đề chữ “Thần Hoàng miếu” rộng chừng 10m2, bên trong thờ Phật. Dưới gốc đa còn thêm cái miếu nhỏ nữa, trong có ba bát hương và dòng chữ “Bổn xứ thần hoàng”.
Gần 20 năm trước, câu chuyện giữ lại cây đa thiêng này còn được kể là cả nỗ lực và “đấu tranh” của rất nhiều người, cho dù nó làm ảnh hưởng không ít đến tiến độ công trình.
Điều đáng nói nhất của sân miếu dưới gốc đa chính là một điểm “vàng” để ngắm cảnh núi non Hải Vân hùng vĩ, ngắm con đường mềm mại uốn lượn men triền núi và vịnh Đà Nẵng tuyệt đẹp phía xa xa…
Cùng việc tạo điểm “vàng” ngắm cảnh kể trên, khi đào hầm Hải Vân 1, chủ đầu tư đã có ý tạo hai đầu hầm hai điểm xanh và khuôn viên đủ rộng nhằm biến thành điểm dịch vụ nghỉ ngơi, giải khát và tham quan hầm.
Sự thuận tiện được cân nhắc khi vị trí nằm trên cung đường du lịch trọng điểm của miền Trung, gắn liền với vịnh – biển Lăng Cô, đường đèo Hải Vân và TP biển Đà Nẵng, song vì vài lý do mà nội dung này đã không thực hiện đến nơi đến chốn.
Nay, khi hầm Hải Vân 2 đã hoàn thành đưa vào hoạt động song hành với hầm Hải Vân 1; cùng với đó là hàng loạt hầm khác trên dặm dài đất nước đã và đang được người Việt trực tiếp xây dựng, ý tưởng hình thành một bảo tàng/nhà trưng bày về người Việt đào hầm tại địa điểm này đang được đặt ra.
Một thành viên Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết sẽ đề xuất ý tưởng này lên cấp trên.
Nhiều chuyên gia đào hầm tỏ vẻ thiết tha khu vực Hải Vân được đầu tư cụm công trình dạng nhà trưng bày/bảo tàng có thể kể về lịch sử, các đặc trưng công nghệ, các loại hầm và từng con hầm cụ thể; kể về quá trình tiếp cận, học hỏi, lao động và sáng tạo của người Việt trong lĩnh vực đào hầm…
“Đi kịp thế giới”
Hiện nay, tổng chiều dài hầm đường bộ đã hoàn thành và đang thực hiện trên cả nước trong khoảng 30 – 40km.
TS Nguyễn Thế Phùng – thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng – cho rằng con số đó cùng hàng chục hầm thủy điện với công nghệ đào tương tự, hẳn nhiên là thành tựu đào hầm của người Việt.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, có khi về mặt tiến độ, trình độ tổ chức lao động hoặc trang thiết bị, cơ giới hóa trong đào hầm của người Việt có thể có chút thua kém, thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, về trình độ kỹ thuật thì người Việt không hề thua kém nơi đâu.
“Trình độ thi công bằng phương pháp nổ mìn, chúng tôi quen gọi là phương pháp mỏ, mình chẳng kém ai cả. Thế giới có cái gì thì mình cũng có cái đấy, dù đi sau nhưng nói chung là đi kịp với thế giới” – TS Phùng nhận định.
PGS.TS Trần Chủng – chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam – diễn giải cụ thể hơn: thành tựu ở đây không phải là sáng tạo ra công nghệ mới, vì công nghệ NATM của Áo đã có từ trước.
Song, khi tiếp nhận, người Việt đã không áp dụng một cách máy móc mà là vận dụng, sáng tạo để thích ứng trong từng trường hợp cụ thể. Đó là sự phát triển công nghệ trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, tạo ra tốc độ đào nhanh, chất lượng tốt, phù hợp hơn…
Ông minh chứng thông qua những lần kỹ sư Việt đề xuất cải tiến hoặc đưa ra giải pháp tăng bước đào. Có những trường hợp theo đúng lý thuyết thì chỉ có thể đào 2,5m. Nhưng có kỹ sư đề xuất đào đến 3m, thậm chí dài hơn và cho kết quả an toàn.
“Lý thuyết sẵn có là vậy. Nhưng trước thực tế một loại đất đá cụ thể, vị kỹ sư đầy đủ kinh nghiệm, làm chủ được các vấn đề kỹ thuật công nghệ, theo suốt quá trình đào, đã đề xuất bước đào tăng lên và thành công. Thì đó không phải là sự liều lĩnh, mà là sáng tạo, tạo ra giá trị ghê gớm” – PGS Trần Chủng nhận xét.
Chuyên gia này cho biết từng đề nghị một số đơn vị đào hầm lập đề cương tập hợp những thành tựu trong lĩnh vực, tiến tới hình thành công trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, để dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh…
Kỹ sư Bùi Hồng Đăng bên trong công trường đào hầm Hải Vân 2 – Ảnh: THÁI LỘC
Chinh phục đỉnh cao
Hiện nay, hầu hết các điểm “nghẽn” giao thông do những mạch đèo núi nhô ra biển trên quốc lộ 1A cơ bản đã được “giải cứu” bởi hệ thống hầm xuyên núi. Ngoài các tuyến cao tốc đã và đang hoàn thành đào hầm, sẽ có thêm một số hầm đường bộ được đào, dự kiến hoàn thành trong vài năm tới.
Cùng với đó là tuyến đường sắt mới Bắc – Nam đang được tính toán, sẽ có khá nhiều hầm cho tàu chạy hai chiều bên trong, mà trọng yếu vẫn là hầm xuyên qua núi Hải Vân dài chừng 7,8km…
Với đội ngũ trong nước nắm chắc kỹ thuật công nghệ, TS Nguyễn Thế Phùng thấy tiếc khi đại lộ Thăng Long, đường Hoàng Quốc Việt hay các hồ Bảy Mẫu, Thành Công, Thiền Quang… ở Hà Nội, từng bị bỏ qua đề xuất làm hầm ngầm phía dưới để đỗ xe.
Ông cho rằng những “chuyện đã rồi” đáng tiếc ấy phải trở thành bài học kinh nghiệm. Trong tương lai, tại nhiều vị trí hợp lý cũng phải tính chuyện làm trung tâm mua sắm, đô thị ngầm, bãi xe ngầm… để góp phần giải quyết vấn đề nóng về đất đai tại các thành phố lớn.
TS Phùng cho rằng phải nghĩ đến một mảng hầm khác trong tương lai nối đồng bằng với miền núi Tây Nguyên và Tây Bắc. Đó có thể là những con hầm cong dài, thậm chí theo kiểu xoắn ốc kéo dài tuyến đường để giảm độ dốc, thay những cung đèo ngoằn ngoèo, nguy hiểm như hiện nay.
Còn mảng hầm vượt sông, hiện có hầm vượt sông Sài Gòn do người Nhật Bản thực hiện và người Việt tham gia học hỏi.
Công trình thứ hai là hầm vượt Cửa Lục (Quảng Ninh) đang giai đoạn chuẩn bị; các chuyên gia hy vọng sẽ được giao cho người Việt thi công để dần làm chủ kỹ thuật công nghệ dạng này. Tiến tới, các đơn vị trong nước sẽ tiếp tục thực hiện hầm vượt sông ở các đô thị lớn…
Tại TP.HCM, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đào hầm theo công nghệ TBM do người Nhật thực hiện, làm hầm trong nền đất yếu, máy đào đến đâu, bêtông được lắp ghép thành đường ống đến đó.
Theo các chuyên gia, bản thân việc công nghệ làm metro ở TP.HCM là “đỉnh cao của thế giới, do người Việt đầu tư, tham gia và học hỏi”.
TS Phùng tự tin trước viễn cảnh các tuyến metro đã vạch ra ở Hà Nội, TP.HCM, thậm chí ở Đà Nẵng, trong một ngày không xa sẽ do người Việt tự làm.
“Sau quá trình học hỏi, nắm chắc được công nghệ rồi thì chúng ta sẽ đầu tư mua sắm thiết bị máy móc và tự làm. Có khó mấy thì người Việt mình sẽ đủ sức tự làm, không có gì gọi là không được cả!” – TS Phùng nói.
“Tôi có thể khẳng định về sự trưởng thành của đội ngũ đào hầm chúng ta hiện nay, không những về làm chủ công nghệ NATM mà còn có những sáng kiến rất tốt, tăng độ dài mũi đào, rồi sáng kiến về chuyện định vị, di chuyển, phối hợp trong công tác tổ chức, tăng tiến độ, tốc độ đào rất đáng kể” – PGS.TS Trần Chủng (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam). |
THÁI LỘC
Nguồn: tuoitre.vn