Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi tham dự đại hội đồng cổ đông công ty Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) được tổ chức ngày 24.4 vừa qua.
Tại đại hội, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng:“Kết quả kinh doanh của HHV đạt được chỉ tiêu, tích cực. Lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn, cho thấy sức sống, sức chống chịu của một doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. Đèo Cả có triết lý kinh doanh rất sáng rõ khi đã nêu ra những rủi ro từ nguồn vốn khó khăn, thị trường chứng khoán nhiễu loạn, cơ chế chính sách bất cập… để tìm cách phát triển đi lên. Cách huy động vốn từ nguồn lực của xã hội là một chiến lược rất tuyệt vời. Các số liệu kinh doanh dựa trên cơ sở làm thật và đưa ra sản phẩm thật cho xã hội, mang lại niềm tin cho cổ đông.
Theo báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên của công ty thì năm 2021, HHV đạt doanh thu 981 tỷ đồng, tăng 80.13% so với năm 2020. Kết quả tăng trưởng nhờ đẩy mạnh hoạt động thi công xây lắp thông qua việc ký kết và thực hiện các gói thầu của dự án cao tốc Trung Lương Mỹ – Thuận, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo…
Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 cũng tăng mạnh so với năm trước, đạt 229,7 tỷ đồng (gấp 5,6 lần lợi nhuận sau thuế năm 2020), tỷ suất LNST/DT đạt 23,41%.
Hội đồng quản trị HHV đã trình và được Đại hội thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ chi trả tương đương 91,87%.
Bên cạnh đó, HHV đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu hợp nhất là 2.515 tỷ đồng, tăng trưởng 35,1%, lợi nhuận kế hoạch 396 tỷ đồng, tăng 36%.
Ngoài ra, HHV sẽ phân bổ 4.000 tỷ đồng để phát triển dự án. Chủ tịch HĐQT HHV Hồ Minh Hoàng cho biết: ”Là đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả, trong năm vừa qua, HHV đã chứng minh sức bật mới với những đóng góp quan trọng từ vai trò là nhà đầu tư, đến thi công xây lắp đặc biệt năng lực quản lý khai thác vận hành là một năng lực chuyên biệt mà Tập đoàn Đèo cả đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua”.
Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) – TTC Land thuộc Tập doàn Thành Thành Công cho biết đã hợp tác, sẽ đầu tư toàn diện vào HHV và Đèo Cả. Ông Võ Quốc Khánh – Tổng Giám đốc SCR – TTC Land cho biết: “Chúng tôi tham gia góp vốn vào Đèo Cả không phải chỉ để thực hiện một dự án cụ thể mà thống nhất với nhau, đồng hành dài hạn sẽ giữ phần vốn đầu tư từ 5 đến 10 năm. Giá trị đầu tư khi mua CP của HHV đã thống nhất thậm chí còn cao hơn nhiều so với giá trị hiện nay. Cổ phiếu bây giờ có xuống nữa hay lên nữa thì không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư từ ban đầu của chúng tôi, kỳ vọng hệ sinh thái của Đèo cả và TTC sẽ là điểm sáng cho bức tranh hạ tầng giao thông Việt Nam. Chúng tôi tới sau, thống nhất việc chia sẻ những công sức của các cổ đông và công ty đã bỏ ra trước đó là điều bình thường mà các cổ đông chiến lược sẽ làm thôi ”.
HHV hiện là nhà đầu tư trực tiếp vào 5 dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Trong đó, 4 dự án đã đưa vào khai thác bao gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, Hầm đường bộ Phước Tượng Phú Gia 1.559 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hoà 2.644 tỷ đồng. Dự án Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng đang trong giai đoạn thu xếp vốn để triển khai.
Các dự án BOT đều có tổng mức đầu tư lớn. Trong giai đoạn trước đây, gần như các dự án BOT đều không có nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Đối với 4 dự án của HHV đã đưa vào thu phí, tại dự án Hầm Đèo Cả có một phần vốn ngân sách tham gia nhưng vẫn chưa được giải ngân hết (cón lại 1.186 tỷ đồng). Nguồn vốn chính để hình thành các dự án là từ nguồn vốn chủ sở hữu do các nhà đầu tư góp vào và nguồn vốn vay tín dụng. Với đặc thù này, dễ hiểu khi tổng dư nợ của HHV là một con số lớn nhưng đã hình thành ra tài sản lớn có giá trị cao nó đã phát huy được hiệu quả kinh tế xã hội cho đất nước. Nếu xét đến thời điểm hiện nay khó có doanh nghiệp nào có thể thực hiện được nhiều công trình dự án phức tạp về hạ tầng như Đèo Cả. Khi trượt giá, biến động nguyên vật liệu tăng cao như hiện nay càng khẳng định việc đầu tư hoàn thành các dự án hầm, cầu, cao tốc của doanh nghiệp HHV là bước đi đúng hướng.
Tại thời điểm 31.12.2021, Báo cáo tài chính hợp nhất của HHV ghi nhận tổng nợ vay là hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó hơn 20.000 tỷ đồng là nợ vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng để tài trợ cho các dự án BOT. Các khoản nợ vay của HHV đã hình thành nên tài sản tương ứng là các hầm đường bộ, các tuyến cao tốc. Tổng tài sản của HHV tính đến 31.12.2021 đạt gần 34.000 tỷ đồng.
Minh Anh