(Báo Xây dựng) Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của công ty này.
HHV có xuất phát điểm là một xưởng sửa chữa ô tô thành lập năm 1974. Sau nhiều năm phát triển, đến năm 2005, cùng với việc đưa hầm Hải Vân vào khai thác vận hành, xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO).
Đến năm 2019, HAMADECO chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. Trải qua gần nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, HHV đang từng bước phát triển và trở thành một trong những thương hiệu uy tín, tạo bước đột phá trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thi công, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
HHV là nhà đầu tư và thi công các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như dự án hầm đường bộ qua đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân), cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn,… với tổng mức đầu tư ở mỗi dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư và thi công dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài 43km với tổng mức đầu tư dự kiến là 8.790 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với thế mạnh về kinh nghiệm, thiết bị và đội ngũ hơn 1.000 chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả là đơn vị hàng đầu trong hoạt động quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông đường bộ trên cả nước. Theo đó, HHV đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt cho hơn 65km đường cao tốc, 150km đường Quốc lộ 1, cùng với 11 trạm thu phí dịch vụ sử dụng công trình giao thông.
Đặc biệt, với việc vận hành thông suốt hơn 25km hầm giao thông đường bộ, HHV hiện là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực quản lý vận hành hầm đường bộ. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì chuỗi công trình hầm trọng điểm quốc gia gồm: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hầm Phước Tượng – Phú Gia, trong đó hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ đảm bảo an toàn cho hàng triệu lượt xe qua các hầm mỗi năm, HHV còn hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn cho các phương tiện gặp sự cố trên các tuyến đường đèo, đường dẫn, góp phần đảm bảo cho việc giao thương đi lại giữa các khu vực và kết nối tuyến Bắc – Nam.
HHV đã và đang xây dựng thương hiệu phát triển bền vững, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, khả năng cạnh tranh trên thị trường nổi bật so với các công ty cùng quy mô và ngành nghề.
Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và tiến độ thi công xây lắp các gói thầu, tuy nhiên HHV vẫn đạt được mức doanh thu hợp nhất trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch đề ra. Định hướng hoạt động năm 2021, HHV đặt kế hoạch tăng 7% doanh thu thuần và 23,45% lợi nhuận sau thuế so với năm 2020. Với việc tập trung duy trì thế mạnh và đẩy mạnh các hoạt động thi công xây lắp, quản lý vận hành cũng như đầu tư tài chính, HHV tự tin hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm là niêm yết chứng khoán của Công ty với mã cổ phiếu là HHV trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) để thu hút nguồn vốn quốc tế, tăng cường tính liên kết hệ thống, nâng tầm thương hiệu số một về đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Trước đó, năm 2015 HHV đã đại chúng hóa và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.