• vi
    • vi

DEOCA Infrastructure

Tin tức & Sự kiện

Thư viện ảnh

Thư viện Video

Vì sao tăng giá thu phí hầm đường bộ Hải Vân?

(Báo Giao thông)- Việc điều chỉnh phí do nhà đầu tư đã hoàn thành hầm Hải Vân 2 và nguồn thu này để duy trì quản lý vận hành hầm Hải Vân…

Sau khi ống hầm Hải Vân 2 được hoàn thành xây dựng từ 1/2/2021, hiện nay, hầm Hải Vân đang khai thác, vận hành 2 ống hầm, mỗi ống hầm khai thác một chiều

Sau khi hầm đường bộ Hải Vân điều chỉnh tăng giá vé từ 1/5/2021, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về mức thu phí, lộ trình tăng phí,… của dự án này. Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư dự án) làm rõ vấn đề này.

Điều chỉnh giá để duy trì quản lý vận hành và hoàn vốn đầu tư

Từ 1/5/2021, mức phí qua hầm đường bộ Hải Vân tại trạm thu phí Bắc Hải Vân điều chỉnh tăng giá vé khiến một số chủ phương tiện lựa chọn đi đường đèo để tránh mất phí thay vì đi vào đường hầm trong những ngày qua. Vì sao nhà đầu tư lựa chọn tăng giá vé vào thời điểm này, thưa ông?

Việc đề xuất điều chỉnh giá vé từ 1/5/2021 là do nhà đầu tư đã hoàn thành hầm Hải Vân 2, nguồn thu này được sử dụng để duy trì hoạt động quản lý vận hành, bảo trì hầm và hoàn vốn đã đầu tư. Việc này đã được quy định rõ trong hợp đồng dự án giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT.

Trước đó, chúng tôi đã đề xuất cơ quan chức năng đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động từ ngày 1/2/2021, các phương tiện được sử dụng công trình mới, dịch vụ mới tiện ích hơn khi rút ngắn thời gian lưu thông qua hầm chỉ còn khoảng 6 phút, tầm nhìn thông thoáng hơn, an toàn hơn và không còn tình trạng ùn tắc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong các ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, có một số phương tiện chọn đi đường đèo để tham quan, ngắm cảnh. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ, phần lớn các phương tiện đã lựa chọn đi qua hầm để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu và đảm bảo an toàn giao thông.

Trung tâm vận hành Hầm Hải Vân

Đã có không ít ý kiến băn khoăn, phải chăng vì áp lực tài chính khi Nhà nước chưa giải ngân khoản hỗ trợ 1.180 tỷ đồng cho dự án và nhà đầu tư chưa được thu phí ở tuyến La Sơn – Túy Loan như cam kết hợp đồng BOT nên nhà đầu tư đề xuất tăng phí ở hầm Hải Vân, thưa ông?

Hiện nay, dự án còn đang vướng mắc tài chính và đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, kiến nghị tại Văn bản 384 ngày 6/9/2019. Đây là phần vốn ngân sách Nhà nước đã cam kết và việc thu phí tại trạm La Sơn – Túy Loan thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan Nhà nước trong hợp đồng dự án đã ký. Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đang phối hợp để giải quyết vấn đề này.

Về phía nhà đầu tư, khi dự án còn gặp những vướng mắc, chúng tôi đã rất cố gắng ứng trước nguồn tài chính khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ nhằm phục vụ sự lựa chọn dịch vụ và nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, các vướng mắc nêu trên không phải là lý do để điều chỉnh phí. Như tôi đã nói ở trên, việc điều chỉnh phí ở hầm Hải Vân là do nhà đầu tư đã hoàn thành hầm Hải Vân 2 và nguồn thu này cần phải thực hiện để duy trì quản lý vận hành hầm, hoàn vốn đã đầu tư.

Ông Trần Văn Thế – Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Suất đầu tư hầm gấp 13 lần QL1 mở rộng 4 làn xe

Nhiều dự án BOT nâng cấp, mở rộng trên QL1 có chiều dài lên tới 60 – 70km chỉ thu phí với mức 35.000 – 45.000 đồng/lượt/xe con, tuy nhiên, dự án BOT hầm Hải Vân có chiều dài chỉ hơn 6km nhưng nhà đầu tư lại thu phí với mức giá lên tới 110 nghìn/lượt/xe con. Ông lý giải thế nào về việc này?

Hầm đường bộ xuyên núi là công trình giao thông cấp đặc biệt. Ở Việt Nam chỉ mới tiếp cận và làm chủ công nghệ trong vòng 10 năm nay, các yêu cầu kỹ thuật phức tạp, suất đầu tư lớn hơn nhiều so với các công trình cầu đường thông thường.

Cụ thể, chi phí đầu tư 1km hầm đường bộ bao gồm các trang thiết bị an toàn cao hơn 4 lần so với 1km đường cao tốc và cao hơn 13 lần so với 1km đường QL1 mở rộng lên 4 làn xe. Do đó, các dự án mở rộng QL1 có chiều dài từ 60-70km chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng. Nhưng chi phí để nâng cấp sửa chữa hầm Hải Vân 1, hoàn thiện hầm Hải Vân 2 và tuyến đường dẫn lên tới 7.300 tỷ đồng.

Thứ hai, việc vận hành hầm giao thông yêu cầu phải tuân theo quy trình rất khắt khe. Hiện nay, theo quy trình quản lý vận hành hầm Hải Vân cần hơn 245 nhân sự qua đào tạo, làm việc 3 ca thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo trì, cứu hộ, cứu nạn. Các hệ thống trang thiết bị về thông gió, chiếu sáng, camera giám sát, hệ thống cảnh báo, phòng cháy chữa cháy,… cũng được hoạt động liên tục để đảm bảo các điều kiện an toàn cho phương tiện khi qua hầm liên tục cả ngày lẫn đêm.

Hơn nữa, sau khi hoàn thành công trình hầm, chi phí vận tải và chi phí di chuyển giảm xuống do tiết kiện thời gian. Cụ thể, thời gian qua hầm Hải Vân hiện nay chỉ còn 6 phút, trong khi đi qua đèo từ 45-60 phút. Khi phương tiện đi qua hầm sẽ tiết kiệm 90% thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí nhiện liệu, giảm chi phí bảo dưỡng, kéo dài tuổi thọ phương tiện và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ở mức cao nhất. Với những hiệu quả như vậy, người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm hoặc đi đường đèo.

Hoạt động cứu hộ cứu nạn khi xe có sự cố trong hầm Hải Vân

Dự án vẫn thiếu hụt doanh thu

Trong các hợp đồng BOT giao thông trước đây đã ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, thông thường các dự án sẽ điều chỉnh tăng giá với lộ trình 3 năm/lần và mỗi lần điều chỉnh không vượt quá 18%. Trong khi đó, hầm Hải Vân lại điều chỉnh tăng giá lên 50 – 60% so với mức giá cũ. Cụ thể, xe con tăng từ 70.000 đồng/lượt lên 110.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 90.000 đồng/lượt lên 160.000 đồng/lượt,… Ông giải thích thế nào về việc này?

Việc điều chỉnh giá vé theo lộ trình 3 năm không vượt quá 18% chỉ áp dụng đối với các dự án đã hoàn thành và đi vào thu phí ổn định. Đối với trạm thu phí Bắc Hải Vân, mức giá thu phí áp dụng trước ngày 1/5/2021 khi hầm Hải Vân chỉ khai thác với một ống hầm.

Còn mức giá áp dụng từ 1/5/2021 tại trạm thu phí Bắc Hải Vân là mức giá khởi điểm khi hầm Hải Vân 2 đã hoàn thành xây dựng, dự án khai thác, vận hành với 2 ống hầm, mỗi ống hầm một chiều. Mức giá khởi điểm qua hầm Hải Vân cao hơn so với mức giá khởi điểm tại các dự án đường BOT thông thường, bởi ở trên tôi đã chia sẻ, suất đầu tư 1km hầm cao gấp 13 lần so với 1km đường trên QL1 quy mô 4 làn xe.

Kể từ thời điểm ban hành mức giá khởi điểm (1/5/2021), lộ trình điều chỉnh giá vé qua trạm thu phí Bắc Hải Vân cũng sẽ áp dụng tương tự các dự án BOT giao thông. Tức là, 3 năm sẽ tăng phí một lần và mỗi lần sẽ tăng không quá 18% như hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT.

Với mức giá thu như hiện nay, nhà đầu tư đã có lãi so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT chưa, thưa ông?

Không chỉ dự án của chúng tôi mà nhiều dự án BOT khác trên cả nước đang trong tình trạng sụt giảm lưu lượng, doanh thu. Riêng trạm Bắc Hải Vân vừa hoàn vốn cho hầm Hải Vân vừa hoàn vốn cho hầm Phước Tượng – Phú Gia. Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán và đánh giá doanh thu thực tế tại trạm Bắc Hải Vân tính đến ngày 31/10/2020 đã hụt doanh thu 144 tỷ đồng. Khi điều chỉnh giá vé từ 1/5/2021, dự án vẫn chưa đảm bảo doanh thu như phương án tài chính ban đầu.

Cảm ơn ông!

“Trên cơ sở suất đầu tư, các chi phí trong giai đoạn vận hành khai thác, khả năng hoàn vốn và hiệu quả của công trình cho phương tiện và xã hội, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 60/2018 quy định về giá dịch vụ đối với công trình hầm. Tôi khẳng định, giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân đang áp dụng theo đúng Thông tư 60/2018 của Bộ GTVT”. Ông Trần Văn Thế.

https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-tang-gia-thu-phi-ham-duong-bo-hai-van-d505518.html