Hầm đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Hầm Đèo Cả có chiều dài 13,4 KM sẽ được thông hầm vào ngày 31-07 sau một thời gian thì công. Hoàn thành vượt tiến độ trước 2 tháng.
Ngày 31/7, “đại công trường” Đèo Cả với hàng loạt cái nhất: quy mô nhất, phức tạp nhất, lần đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ thi công… chính thức được thông hầm, vượt 2 tháng tiến độ, sau hơn 2 năm nỗ lực vượt khó thi công của nhà đầu tư (NĐT) Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và các nhà thầu thi công.
Đèo Cả tên nhà đầu tư gắn liền với địa danh “đại công trường” cũng là nơi hình hài bản lĩnh, khát vọng của người Việt trong lĩnh vực đầu tư và thi công hầm đường bộ.
Bản lĩnh thi công hầm
21/6/2016 – ngày 4 nhà thầu chính thức “chạm nhau” ở 2 gương hầm cuối cùng tuyến hầm Đông – Tây dự án Đèo Cả được Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CPĐT Đèo Cả Lê Quỳnh Mai khắc ghi. Gắn bó với dự án qua từng giai đoạn, ông Mai tường tận các bước đi đầy vất vả nhưng “không mệt mỏi” của NĐT, các đơn vị thi công, quản lý trên đại công trường Đèo Cả. 3m gương hầm cuối cùng gặp nhau chính xác đến từng cen-ti-met. Niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt rám bụi đá của CBCNV… Sau 900 ngày thi công (từ đầu tháng 1/2014), khát vọng thông hầm “đại dự án” chính thức hình hài, vượt tiến độ 2 tháng so với dự kiến ban đầu, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT tại các buổi thăm, kiểm tra dự án mới đây.
Tiếng phá đá nổ mìn thưa dần, lùi vào quá khứ. Nhịp điệu thi công hối hả trên từng hạng mục hạ nền đường, thi công đường dẫn đang vào cao điểm. Trước đó, ngay từ tháng 11/2014, hầm Cổ Mã chính thức đào thông sau hơn một năm thi công và thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2015.
Hầm Cổ Mã, Đèo Cả có tính chất kỹ thuật phức tạp, hàng loạt khó khăn do địa chất xấu, không đồng nhất, có chỗ phải khoan thăm dò 100-300m… Theo ông Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc Apave châu Á – Thái Bình Dương (đơn vị TVGS dự án Đèo Cả), tất cả các chủ thể tham gia dự án quyết tâm, đồng lòng vượt khó, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch. Bản thân NĐT, Ban QLDA, nhà thầu vào cuộc sát sao, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh; kịp thời giải ngân cho dự án. Công trình được sự quan tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt tiến độ, chất lượng của các bộ, ngành, đơn vị chức năng. Các giải pháp thi công tối ưu, hiệu quả nhất được tổ chức ngay tại công trường.
Theo ông Lê Quỳnh Mai, các nhà thầu vào dự án được thẩm tra năng lực kỹ càng, đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt. Áp lực tiến độ, thời tiết, đòi hỏi các đơn vị tập trung tối đa trang thiết bị, nhân vật lực, tổ chức thi công 3 ca liên tục trong ngày. “Công trường không nghỉ” ngay cả những dịp lễ, Tết. Các gương hầm liên tục được rút ngắn về thời gian thi công, tăng chiều dài khoan đào.
Thống kê, từ 1-2m dài ban đầu, chiều dài khoan đào các gương hầm tăng lên 3,5m, nhiều gương đạt 4-4,5m dài, xử lý ít nhất 400-600 khối đá/chu kỳ đào với thời gian được kiểm soát tối đa 14-16 tiếng. Dịp cao điểm, các nhà thầu mở vào lòng núi 140-180m đường hầm mỗi tháng. Tại buổi kiểm tra dự án ngày 2/7/2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Ichizuru Ishimoto, Giám đốc TVGS (Nippon Koei – Nhật Bản) đánh giá: Tốc độ này tương đương với các nhà thầu quốc tế chuyên nghiệp.
“Tầm vóc” Đèo Cả
Trực tiếp thị sát “đại công trường” Đèo Cả đầu tháng 7, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận, biểu dương các nỗ lực kiểm soát hiệu quả tiến độ, chất lượng dự án. Theo Thứ trưởng, khí thế triển khai dự án hầm Đèo Cả rất tập trung, quyết liệt, là hình ảnh và “điểm sáng” thi công của cả ngành GTVT. “Việc đào thông hầm có ý nghĩa rất quan trọng, chuyển tiếp dự án sang giai đoạn thi công mới, cơ bản hoàn thiện đường găng kỹ thuật đào hầm. Cả dự án tiếp tục tập trung, chủ động đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án vào tháng 7/2017”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên chia sẻ: Mỗi lần ra công trường Đèo Cả là một bất ngờ, bởi sự thay đổi nhanh, rõ rệt trong từng tiến độ triển khai. Mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 7 rất khả thi. Không chỉ ngành Giao thông mà người dân trên địa bàn đang mong chờ hầm Đèo Cả sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác, góp phần đảm bảo ATGT, rút ngắn thời gian di chuyển, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội cho Phú Yên, Khánh Hòa và cả khu vực.
Ghi nhận tại hiện trường, các đơn vị thi công đang triển khai song song các hạng mục hạ nền đường, đổ bê tông vỏ hầm, triển khai thi công đường dẫn, cầu cống trên tuyến. Theo ông Mai, toàn hầm hoàn thành hơn 2km đổ bê tông vỏ hầm, riêng 7 cầu trên tuyến đạt tiến độ 97-98%, cơ bản hoàn thành; đường dẫn đang được đẩy nhanh khối lượng. Dự án đang được kiểm soát tốt nhưng các đơn vị không lơ là chủ quan. Khối lượng hoàn thiện khá lớn, toàn công trường giữ đà triển khai, tăng ca, tăng kíp cùng các giải pháp hiệu quả để hoàn thành dự án đúng thời hạn.
Hầm đường bộ qua đèo Cả nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện.
Toàn bộ hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài 13,4 km, điểm đầu tại km 1353+500 (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hà – Phú Yên) và điểm cuối tại km 1374+525 (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa). Chiều dài của hầm đèo Cả là 3,9 km, hầm Cổ Mã dài 500 mét, đường dẫn và cầu dài hơn 9 km. Công trình gồm 2 đường hầm chạy song song, mỗi hầm rộng 8,5 mét với 2 làn xe.
Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 15.600 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hầm đèo Cả (theo hình thức BOT) là 10.555 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên toàn tuyến là 4.509 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 539 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ GTVT sau đó đã cho rà soát lại và điều chỉnh hướng tuyến nên giảm được 2 km chiều dài hầm, vì thế mức đầu tư giảm hơn 4.000 tỉ đồng.
Do vậy, tổng mức đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả đã được rút xuống còn 11.378 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành thi công đèo Cả, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả sẽ thực hiện mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, giai đoạn 2 với mức đầu tư 5.893 tỉ đồng.
Tầm vóc Đèo Cả đã và đang được chứng minh qua hàng loạt góc nhìn thực tiễn: Dự án quy mô nhất, đột phá cơ chế chính sách, đến quản lý điều hành dự án, bản lĩnh nhà thầu và các chủ thể liên quan, đặc biệt khẳng định tên tuổi NĐT tầm cỡ cùng những dự án hầm đường bộ trọng điểm đang được Công ty CP Đầu tư Đèo Cả mở rộng: Hầm Cù Mông, hầm Hải Vân giai đoạn 2…
Theo báo giao thông.