Mặc dù mới trải qua khoảng 1/3 thời gian thi công nhưng đến thời điểm này trên toàn công trường dài gần 80 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, ngoại trừ các vị trí cầu lớn và hầm đường bộ Núi Vung, công tác thi công nền đường thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã đạt hơn 80%.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5km, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam triển khai theo phương thức PPP nhưng là công trình đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công.
Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, tính đến ngày 20/10/2022, khối lượng thi công tại Dự án đã đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tương ứng 30% khối lượng xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, trong đó phân đoạn do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận đạt sản lượng là 1.418 tỷ đồng, đạt 31,19% tổng giá trị các gói thầu (vượt 5% kế hoạch); phân đoạn do Công ty 194 sản lượng là 789,55 tỷ đồng, đạt 26% tổng giá trị các gói thầu.
Một điểm nhấn thú vị tại công trình này là đến ngày 20/10/2022, vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào Dự án (VGF) đã giải ngân được là 867,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch vốn bố trí năm 2022. Hiện doanh nghiệp dự án đã có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm điều chuyển, bổ sung nguồn vốn ngân sách cho Dự án.
Cũng giống như các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam khác, ngay từ khi triển khai cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nhà đầu tư gặp phải nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp, vật liệu đá, cát và tình trạng giá nguyên vật tăng đột biến liệu ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thành dự án.
Để giải quyết vấn đề này, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ và chủ động kiểm soát. Cụ thể, đối với vật liệu đất đắp do một số mỏ vật liệu tư vấn thiết kế dự kiến không có khả năng khai thác, nhà đầu tư phải chủ động cùng với địa phương để tìm kiếm các mỏ vật liệu khác thay thế và đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ phía UBND tỉnh Ninh Thuận.
Đến nay UBND tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho phép doanh nghiệp dự án khai thác đất đắp tại 2 mỏ Phước Hữu, Phước Vinh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 60, Nghị quyết 133 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.
Đối với vật liệu đá, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đánh giá chất lượng thực tế các vật liệu đá từ thi công hầm, thi công nền đường để phân loại và tận dụng tối đa để xay, nghiền thành các loại cốt liệu cho bê tông xi măng, bê tông nhựa và móng đường cấp phối đá dăm. Đến nay, đối với công địa do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận đã cơ bản chủ động được nguồn vật liệu tại chỗ, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về đá các loại.
Trong điều kiện các dự án xây dựng giao thông triên khai đồng loạt, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, khan hiếm nguồn cung máy móc thiết bị đã xảy ra tại nhiều dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân sự, đặc biệt là lao động kỹ thuật có tay nghề cao với số lương khoảng 2.000 cán bộ, công nhân và 750 máy móc thiết bị vào dự án phục vụ thi công.
Tại phân đoạn km92+260-km134+000, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 1.500 cán bộ, công nhân và hơn 500 máy móc, thiết bị vào dự án phục vụ thi công. Trong đó, có rất nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư mới nhằm phù hợp với các điều kiện địa chất thực tế tại dự án (thiết bị khoan hầm, giàn khoan xoay phá đá cứng thi công cọc nhồi, trạm nghiền, trạm trộn…) cũng như là cơ sở để rút ngắn tiến độ hoàn thành 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo được Tập đoàn Đèo Cả xây dựng trở thành trung tâm đào tạo, huấn luyện nâng cấp các các kỹ năng chuyên môn theo chiến lược tăng trưởng tập trung. Ở đây, các chương trình đào tạo văn hoá, thi lái xe lái máy giỏi nâng cao tay nghề làm căn cứ nâng bậc lương, tổ chức các khoá đào tạo quản lý nội nghiệp hồ sơ thanh toán… được tổ chức thường xuyên và bài bản”, ông Thắng cho biết.
Khó khăn lớn nhất tại Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo hiện nay là giá nhiên liệu và các loại vật liệu thiết yếu như: Xi măng, sắt thép, xăng dầu, vật liệu nổ… vượt qua dự phòng của dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp dự án và nhà thầu thi công.
“Chúng tôi đã đề nghị cơ quan Nhà nước bổ sung nội dung hợp đồng khi chỉ số giá xây dựng trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng thì được điều chỉnh các loại vật liệu thiết yếu: Xi măng, sắt, xăng dầu, và vật liệu nổ, kinh phí này do Tập đoàn Đèo Cả bỏ ra và được điều chỉnh vào thời gian thu phí hoàn vốn công trình”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết.
Bên cạnh đó, do hợp đồng dự án chưa có hạng mục trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu… đã tạo ra nhiều bất cập trong việc thi công, quản lý vận hành đồng bộ. Nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT giao nhà đầu tư tiếp tục triển khai hạng mục này, nhằm bảo đảm hoàn thành đồng bộ, thông suốt dự án vào cuối năm 2023.
Được biết, để phát huy hiệu quả kết nối giao thông giữa tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến cảng biển tổng hợp Cà Ná và khu kinh tế phía Nam, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ GTVT đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo trong giai đoạn 1 của dự án (khoảng cách giữa 2 nút giao theo hồ sơ thiết kế giai đoạn 1 là 42km), tuy nhiên đến nay, Bộ GTVT chưa có ý kiến thống nhất điều chỉnh bổ sung vào dự án làm cơ sở triển khai.
Theo đại diện doanh nghiệp dự án, việc chậm có ý kiến thống nhất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án thiết kế điều chỉnh nút giao làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai dự án do một số hạng mục phải chờ điều chỉnh thiết kế.
Bảo Như
Nguồn: https://baodautu.vn/du-an-cao-toc-bac—nam-doan-cam-lam—vinh-hao-tang-toc-d176898.html