• vi
    • vi

DEOCA Infrastructure

Tin tức & Sự kiện

Thư viện ảnh

Thư viện Video

Hành lang chính sách thông thoáng là cơ hội cho doanh nghiệp hạ tầng bứt phá

Hành lang chính sách thông thoáng, các Nghị định hướng dẫn Luật PPP sửa đổi cũng được Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh theo hướng thủ tục cởi mở hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những vướng mắc kéo dài trong hợp tác công – tư đang được tích cực tháo gỡ, tạo động lực mới cho doanh nghiệp hạ tầng bứt phá.

Tiềm năng tăng trưởng dài hạn

Hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quốc gia. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc, đưa vào khai thác hàng loạt công trình trọng điểm như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, sân bay Long Thành giai đoạn 1… Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vốn đầu tư dự kiến 67 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua, hứa hẹn tạo ra chu kỳ đầu tư công bùng nổ trong những năm tới.

Cùng với đó, Chính phủ đang tăng cường điều chỉnh các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để thu hút đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh này, nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng là nhóm được hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng đầu tư công, những đơn vị chuyên về hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, cầu cảng… được các chuyên gia nhận định có triển vọng tăng mạnh.

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) là doanh nghiệp hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công cùng kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh, cho thấy HHV đang trên đà tăng trưởng vững chắc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh của HHV tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu đạt hơn 3.308 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 495 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm 2023.

Các hoạt động chính của HHV đều ghi nhận các chỉ tiêu tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thi công xây lắp tăng gần 10%, doanh thu thu phí tăng hơn 21%, doanh thu duy tu quản lý vận hành tăng 125% do năm 2024 HHV tiếp nhận quản lý vận hành thêm các dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Mỹ Thuận – Cần Thơ, hầm Tam Điệp, Thung Thi và Trường Vinh.

Ông Ngọ Trường Nam – Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty HHV cho biết, tính đến cuối năm 2024, giá trị backlog đạt hơn 2.500 tỷ đồng, cao gấp gần 2,5 lần doanh thu của mảng xây lắp trong năm. Ngoài ra, với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, dư địa mảng xây lắp trong giai đoạn tới của HHV là rất lớn.

Trong giai đoạn sắp tới, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km với 60% là kết cấu cầu, 30% kết cấu nền đất, 10% kết cấu hầm, dự kiến mở ra “sân chơi mới” cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam. Ông Ngọ Trường Nam cho biết HHV là một doanh nghiệp tiên phong đón đầu các dự án đường sắt, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Đèo Cả trong giai đoạn 5 – 10 năm tới bên cạnh các dự án đường bộ cao tốc.

“Sau năm 2025, khi các dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, HHV sẽ có trong tay nguồn lực vững chắc, từ hệ thống máy móc, thiết bị đến đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới. Đây là lợi thế quan trọng, mở ra cơ hội để HHV tự tin tham gia các dự án hạ tầng trọng điểm, bao gồm đường sắt và metro”, ông Nam khẳng định.

Theo ông Nam, để có thể tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao, bên cạnh việc “sắm sửa” các nguồn lực về nhân sự, thiết bị, tài chính, thì Đèo Cả còn chuẩn bị khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của dự án.

Cụ thể, Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học trong nước, thành lập Viện đào tạo nghiên cứu và triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng đường sắt – metro. Bên cạnh đó, Công ty cũng tổ chức các chương trình nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tại các nước có nền đường sắt phát triển như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản để tham khảo và lựa chọn công nghệ, mô hình phù hợp với định hướng của Chính phủ và điều kiện triển khai tại Việt Nam.

Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang được Tập đoàn Đèo Cả thi công. Ảnh: HHV

Các bất cập từng bước được giải quyết

Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh, đại diện HHV cho biết những vướng mắc kéo dài tại các dự án BOT như Bắc Giang – Lạng Sơn, hầm đường bộ qua đèo Cả đang được tháo gỡ, tạo động lực mới cho doanh nghiệp.

Cụ thể, thực hiện kết luận của UBTVQH, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các Bộ/Ngành liên quan, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã trình Chính phủ Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông (trong đó đề xuất bố trí 2.280 tỷ đồng để thay thế nguồn thu trạm thu phí La Sơn – Túy Loan và đề xuất bố trí vốn NSNN 4.600 tỷ đồng hỗ trợ dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn). Hiện tại Bộ Xây dựng đang hoàn thiện nội dung báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 6/2025.

“Trong hợp tác công – tư, đôi khi xuất hiện sự sai khác giữa cam kết của cơ quan nhà nước và thực tế triển khai, chủ yếu do điều chỉnh chính sách như cắt giảm trạm thu phí, miễn giảm hoặc không tăng giá vé theo hợp đồng đã ký. Đáng mừng là những bất cập này đang được cơ quan nhà nước nhìn nhận và tích cực tháo gỡ, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Nam nói và thông tin số vốn NSNN 1.180 tỷ đồng hỗ trợ cho dự án hầm Đèo Cả, đã đã được giải ngân vào cuối năm 2024.

Trợ lực từ sửa đổi quy định đầu tư PPP

Luật PPP sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh minh họa sân bay Long Thành: PV

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2025 với mục tiêu giải quyết các vướng mắc pháp lý trước đây, tạo môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Điểm thay đổi quan trọng là việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tại các dự án PPP cho phép lên đến 70% tổng mức đầu tư. Điều này giúp giảm đáng kể áp lực tài chính lên khu vực tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án quy mô lớn mà trước đây họ có thể e ngại do hạn chế về vốn.

Trong đó, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh do liên danh HHV đầu tư là dự án đầu tiên được nâng tỷ lệ vốn ngân sách tham gia dự án lên đến 68,8%.

Luật mới mở rộng phạm vi áp dụng PPP sang nhiều lĩnh vực hơn, tạo cơ hội đầu tư đa dạng cho doanh nghiệp. Các quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ doanh thu, rủi ro bất khả kháng được bổ sung giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tăng tính hấp dẫn của các dự án PPP với đặc thù là cần vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Với Luật PPP sửa đổi, nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai dự án. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm thu hồi vốn đầu tư ở các dự án hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương việc triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh (mở rộng tuyến hiện có dài hơn 93km lên 4 làn xe đầy đủ và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài hơn 27km), đồng thời triển khai các đoạn tuyến để kết nối cao tốc này với TP. Cao Bằng (dài 17km) và tới cửa khẩu Tà Lùng (13km). Đây là những điều kiện thuận lợi để HHV tiếp tục tham gia đầu tư giai đoạn tiếp theo của các dự án này.

Với dòng tiền đang được khơi thông, những “điểm nghẽn” được tích cực tháo gỡ và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh dư địa “khổng lồ” từ các dự án hạ tầng đường sắt đang được ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước, HHV có nhiều triển vọng để tiếp tục củng cố và gia tăng giá trị.

ĐÌNH DUY

Nguồn: https://nhadautu.vn/hanh-lang-chinh-sach-thong-thoang-la-co-hoi-cho-doanh-nghiep-ha-tang-but-pha-d94939.html