• vi
    • vi

DEOCA Infrastructure

Tin tức & Sự kiện

Thư viện ảnh

Thư viện Video

Bên trong hầm xuyên núi dài nhất trên cao tốc Bắc Nam

Hầm Núi Vung dài 2,2 km, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, thuộc dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, là hầm xuyên núi dài nhất trên cao tốc Bắc Nam, đang gấp rút thi công.

Do địa hình đặc thù, đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc Nam được thiết kế xuyên qua dãy núi dài 2,2 km ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tiếp giáp tỉnh Bình Thuận.

Tập đoàn Đèo Cả đang thi công hai đường hầm tại núi Vung, mỗi đường hầm rộng 14 m, chạy song song. Hầm bên trái sẽ phục vụ giai đoạn 1 của dự án, dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm sau, hầm bên phải dành cho phần mở rộng cao tốc trong giai đoạn 2.

Xe chuyên dụng, cùng công nhân đang đào lớp đá chưa thể phá hết bằng thuốc nổ để hạ thêm cốt nền trong đường hầm.

Ở đường hầm bên trái, hai mũi đào từ phía nam ra và phía bắc vào đã hợp long hôm 3/7, sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, góp phần đưa toàn tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sớm hoàn thành.

Mỗi đường hầm có chiều rộng 14 m, đáp ứng 4 làn xe. Theo thiết kế hầm bên trái sẽ phục vụ cho giai đoạn 1 của dự án, khai thác với 2 làn xe hai chiều, vận tốc 80 km/h.

Hơn 100 kỹ sư và công nhân đang tập trung làm việc trên công trường cả ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong hầm tối, có hệ thống đèn chiếu sáng để nhân công làm việc. Những người vào bên trong buộc phải mặc áo phản quan, đội nón bảo hộ, để đảm bảo an toàn khi di chuyển và làm việc.

Giàn đỡ với hệ thống máy điều khiển hiện đại giúp đội ngũ kỹ sư và nhân công thực hiện việc gia cố, đúc mái hầm đạt độ chính xác cao và đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, công nghệ thi công đường hầm này được nhập từ Áo, hỗ trợ thi công nhanh hơn kỹ thuật cũ trước đây.

Đá được đào lên hoặc rới sau khi đặt thuốc nổ, sẽ được cào múc, dọn dẹp, chờ xe ben đến vận chuyển ra bên ngoài hầm.

Với kỹ thuật hiện đại, các khối thuốc nổ được đặt theo vị trí và liều lượng được tính toán kỹ lưỡng để các khối đá rơi xuống, mở hầm theo hình vòng cung.

Đây là một đoạn hầm chưa hoàn thiện, sẽ tiếp tục được nổ mìn phá đá trong những ngày tới, mở rộng thêm không gian.

Kỹ sư Phạm Sỹ Tuấn, chỉ huy trưởng công trình hầm Núi Vung (bên trái) trao đổi với đồng nghiệp về việc gia cố tạm lớp trần sau khi phá đá tạo hình vòm trong hầm, chiều 5/7.

“Đây là hạng mục đặc biệt quan trọng đòi hỏi kỹ thuật cao, vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong quá trình thi công”, ông Tuấn nói.

Nhóm nhân công thi công bên vách hầm để làm hộc cabin, sau này sẽ là nơi chứa dụng cụ cứu hỏa, tụ điều khiển hệ thống đèn, bốt điện thoại khẩn cấp…

Sau khi gia cố bằng các lưới thép và chống thấm, đường hầm sẽ được xây lớp trần cố định bằng khối bêtông đúc dày hình vòng cung, vừa ngăn nước ngầm từ núi đá thấm xuống vừa có tác dụng chống đỡ khối núi khổng lồ ở trên.

Hầm Núi Vung giúp cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo xuyên thẳng qua địa hình núi non hiểm trở. Bên kia cửa hầm ở phía Nam là địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ cửa hầm, 12 km đường ở phía Bình Thuận của dự án này đang được thi công đế kết nối với cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã thông xe hồi tháng 5.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5 km, tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Công trình đi qua ba tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km). Đến nay, đoạn do Đèo Cả thực hiện, khối lượng đạt khoảng 65%; đoạn do Công ty 194 thi công khối lượng đạt khoảng 55%.

Dự kiến công trình hoàn thành toàn tuyến vào dịp lễ 30/4/2024. Khi đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành, ôtô sẽ chạy liền mạch từ TP HCM đến Nha Trang bằng cao tốc.

Hướng tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo. Đồ họa: Khánh Hoàng