(Chinhphu.vn) – Các nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm hoàn toàn có thể đầu tư các công trình hạ tầng GTVT quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Về phía Nhà nước, cần có cơ chế thuận lợi hơn nữa để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước cùng tham gia phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Lễ khánh thành hầm Hải Vân 2 sáng 11/1.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vừa là mục tiêu, vừa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong năm qua, thực hiện chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được tập trung đầu tư. Nhiều công trình giao thông quan trọng được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng. Từ đó nhanh chóng thay đổi bộ mặt hệ thống hạ tầng giao thông của cả nước và góp phần rất quan trọng nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, cải thiện điều kiện đi lại của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Chinh phục” xong các cung đường đèo nguy hiểm khu vực miền Trung
Theo Phó Thủ tướng, tuyến đường đèo Hải Vân là cung đường rất quan trọng trên tuyến Quốc lộ 1, tuyến Bắc-Nam, nối giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với thành phố Đà Nẵng. Đây là con đường đèo dài, dốc lớn, quanh co, rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông qua lại đây. Tại đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, làm thiệt hại tính mạng và tài sản của nhiều người dân.
Trước tình hình đó, ngay từ năm 1996, tuyến đường đèo Hải Vân đã được Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu để cải tạo, nâng cấp. Năm 2015, hầm Hải Vân được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng và là công trình được sự tài trợ của phía Nhật Bản. Đây là hầm giao thông dài nhất Đông Nam Á và là 1 trong 30 hầm đường bộ lớn nhất trên thế giới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao quà động viên cán bộ kỹ sư tham gia thi công
Việc thông xe hầm Hải Vân giúp cải thiện cơ bản về điều kiện giao thông qua lại trên đoạn đường nguy hiểm này và rút ngắn hành trình Bắc-Nam, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm hư hỏng phương tiện, đặc biệt là hạn chế ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông, mang lại lợi ích rất to lớn về kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, do các phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, kinh tế đất nước đang tăng trưởng rất mạnh, hầm Hải Vân trở nên quá tải và cấp thiết phải mở rộng. Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã cho nghiên cứu và phê duyệt bổ sung dự án hầm Hải Vân 2 vào dự án BOT hầm Đèo Cả do Công ty cổ phần Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Theo đó, thực hiện mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông để bảo đảm quy mô gồm 2 ống hầm, mỗi ống chạy một chiều với 2 làn xe. Chiều dài toàn tuyến là 12,14 km, trong đó hầm Hải Vân dài 6,29 km.
Công trình hầm Hải Vân 2 được khởi công từ năm 2016 và sau khoảng hơn 4 năm thi công, công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn kết cấu chịu lực, duy trì vận hành hầm Hải Vân 1 an toàn tuyệt đối.
Với việc hoàn thành các công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, Đèo Ngang, chúng ta đã chinh phục xong các cung đường đèo hiểm trở trên Quốc lộ 1 khu vực miền Trung; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động ngành xây dựng công trình giao thông vận tải Việt Nam.
Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Bản lĩnh Việt Nam
“Đây là công trình lớn, có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện, đã khẳng định sự tiến bộ vượt bậc về năng lực đầu tư, cũng như về kỹ thuật, công nghệ, về thi công hầm đường bộ của các doanh nghiệp Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận. Qua đó khẳng định ngành xây dựng Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đối với lĩnh vực xây dựng nói chung và những công trình giao thông nói riêng.
Việc hoàn thành và đưa công trình hầm Hải Vân 2 vào khai thác, sử dụng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung, đồng thời bảo đảm sự kết nối đồng bộ hơn, thúc đẩy sự phát triển hơn đối với khu vực xung quanh, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên cũng như hành lang Đông-Tây, kết nối với các nước láng giềng trong khu vực và đi ra thế giới.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Giao thông vận tải trong việc chỉ đạo, quản lý thực hiện các công trình giao thông vận tải nói chung, các công trình xây dựng trên tuyến đường đèo Hải Vân nói riêng; biểu dương chính quyền và nhân dân các địa phương nơi có tuyến đường đi qua đã phối hợp và ủng hộ để hoàn thành công trình này.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cắt băng khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2
Phó Thủ tướng cũng biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng tài trợ vốn để thực hiện dự án. Đặc biệt, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Tập đoàn Đèo Cả và các nhà thầu đã tâm huyết, nỗ lực, vượt qua khó khăn để huy động các nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều công trình giao thông quan trọng, trong đó có công trình hầm Hải Vân 2.
Phó Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục tham gia nhiều công trình quan trọng, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống giao thông của Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp
Hoàn thành đúng vào dịp đầu năm mới 2021, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hầm Hải Vân 2 là “món quà” rất quý chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đón Xuân mới Tân Sửu.
Để công trình khai thác, sử dụng an toàn, chất lượng, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo và phối hợp với các địa phương cùng Tập đoàn Đèo Cả tổ chức quản lý, khai thác, vận hành công trình thông suốt và hiệu quả, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Ngay sau lễ khánh thành, các đại biểu đã thông hầm đường bộ Hải Vân 2
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nói chung, trong đó có những doanh nghiệp tham gia vào công trình hạ tầng giao thông và cụ thể là công trình hầm Đèo Cả, hầm đèo Hải Vân 2.
“Chỉ có như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ tin tưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hấp dẫn để khuyến khích các nhà thầu Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Đèo Cả, tham gia tích cực vào nhiều công trình giao thông lớn, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam.